Tin tức
Cất cánh logistics Việt Nam: cần một hợp lực!
[
Cập nhật:
28/03/2012
]
Tất cả các mục tiêu trên đây thôi thúc ngành logistics VN phải cất cánh!
Cũng như tại một số nước, ngành logistics VN được hiểu bao gồm các lĩnh vực hoạt động như vận tải, giao nhận, kho bãi, dịch vụ logistics, cảng, bốc dỡ, ga hàng hóa, các cảng khô (ICD), trung tâm logistics, trung tâm phân phối thương mại… và ngoài ra còn phải kể đến các hoạt động có liên quan như hải quan, bảo hiểm, giám định, tài chánh, ngân hàng…
Ngành logistics VN cũng trực tiếp chịu ảnh hưởng các yếu tố: cơ sở hạ tầng, thể chế chính sách, người làm dịch vụ, người sử dụng dịch vụ (chủ hàng) và nguồn nhân lực logistics.
Để ngành logistics VN có thể cất cánh, cần hợp lực các yếu tố trên đây như thế nào và đâu là điểm nhấn?
Thực ra vấn đề này không mới, cái nhìn mới chính là vận dụng nguyên lý tiếp cận hệ thống của quản trị logistics cũng như chuỗi cung ứng mà trong thực tiễn ngành logistics thường ứng dụng như logistics tích hợp (integrated logistics), sự đồng bộ (synchronization), kinh tế về quy mô (economies of scale)… Ngoài ra, qua những chỉ số đánh giá trong và ngoài nước về thực trạng ngành logistics VN có thể thấy rằng thời điểm cho việc cất cánh từ nay đến 2015 là phù hợp.
Chủ hàng Việt Nam, điểm nhấn đầu tiên, là động lực thúc đẩy ngành logistics Việt Nam cát cánh :
Cho đến thời điểm này, chủ hàng VN (còn gọi là Shipper), đặc biệt là các doanh nghiệp thương mại xuất nhập khẩu (XNK), đại bộ phận chưa chủ động quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu của mình, trên thực tế do chưa ứng dụng quản lý logistics chặt chẽ đã làm cho chuỗi cung ứng thiếu đáp ứng, thiếu bền vững, chi phí cao, sức cạnh tranh kém. Việc lệ thuộc quá nhiều vào vận tải, giao nhận và dịch vụ logistics nước ngoài thể hiện trong tập quán mua CIF bán FOB đã tồn tại quá lâu, trong khi trên thế giới đã chuyển biến khá nhanh, tạo nhiều cơ hội mà những thương nhân, chủ hàng XNK VN chưa tận dụng hoặc chưa chủ động thay đổi. Một ví dụ rất cụ thể về INCOTERM 2010 đã có hiệu lực từ đầu năm 2011 nhưng các nhà XNKK VN chưa biết hoặc chưa áp dụng trong các hợp đồng mua bán ngoại thương hiện nay dẫn đến để lỡ các cơ hội.
Theo các nghiên cứu gần đây, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics của các doanh nghiệp VN tuy có tiến bộ (khoảng 35-40%) nhưng phần lớn chỉ thuê ngoài các dịch vụ đơn lẻ (như kho, vận tải, booking tàu, khai hải quan…) mà chưa giao trọn gói hoặc ủy thác đầy đủ cho người làm dịch vụ logistics để họ có điều kiện cung cấp các giải pháp “end-to-end” nhằm tối ưu các hoạt động logistics, giảm chi phí hoặc tạo thêm các giá trị gia tăng cho hàng hóa, dịch vụ.
Chủ hàng VN chưa đặt nhiều niềm tin vào các nhà cung cấp dịch vụ logistics còn gọi là các 3PLs (third party logistics), trong khi đó trái lại các thương nhân, nhà sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài mạnh dạn giao việc cho các 3PLs, 4PLs nước ngoài như là một trợ thủ đắc lực nhằm tập trung vào việc kinh doanh cốt lõi và thực ra để tăng lợi thế cạnh tranh của chuỗi cung ứng hàng hóa, sản phẩm của họ.
Đã có những ý kiến lập luận rằng: nếu như các doanh nghiệp XNK Vn tận dụng các phương thức mua bán phù hợp thời đại (INCOTERM 2010) thay đổi tập quán mua CIF bán FOB, chẳng những kim ngạch XNK VN gia tăng đáng kể, mà quan trọng hơn tạo được công ăn việc làm cho ngành vận tải, dịch vụ logistics, ngân hàng, bảo hiểm… VN, góp phần vào việc phát triển kinh tế đất nước.
Từ các phân tích trên đây, có thể thấy vai trò to lớn của chủ hàng VN, là động lực thúc đẩy và điểm nhấn để ngành logistics VN cất cánh phát triển.
Thể chế, các chính sách liên quan ngành logistics VN từ phía Nhà nước là các động lực định hướng cho việc cất cánh:
Công bằng mà nói, thời gian gần đây ngành logistics VN đã có được các quan tâm về mặt quy hoạch, chiến lược phát triển, các chính sách tạo thuận lợi về kinh doanh, thương mại XNK, hải quan, thuế… Nhưng có vẻ như các chính sách, thể chế ấy chưa đồng bộ, thiếu cập nhật đầy đủ, phù hợp với các tiến bộ, cũng như các thách thức thời đại của ngành.
Hậu quả là chưa tạo được động lực dẫn dắt, định hướng để ngành logistics VN cất cánh, phát triển. Rất nhiều bài học về sự thiếu kết nối trong đầu tư cơ sở hạ tầng, bất cập trong công tác quy hoạch, lãng phí cảng biển, trung tâm thương mại… Trong những năm qua, các nhà đầu tư trong và ngoài nước chưa thực sự an tâm, chưa thực sự cảm nhận thực sự thông thoáng trong giao thương hàng hóa mà trái lại vẫn còn đó ngày càng nghiêm trọng hơn về tắc nghẽn giao thông, hạn chế tải trọng cầu đường… Mặt khác không kém phần quan trọng là chưa tạo dựng được các điều kiện hỗ trợ để các doanh nghiệp ngành logistics VN trưởng thành so vai với các doanh nhiệp nước ngoài trong khi lộ trình hội nhập WTO đến gần (2014).
Để có thể tạo được động lực định hướng cho ngành logistics VN, việc cần có một “nhạc trưởng” như là Ủy ban Quốc gia logistics, điều này đã được đề cập rất nhiều trên các diễn đàn của ngành logistics!
Bên cạnh, cần nhanh chóng thể chế hóa kịp thời các định chế phù hợp thông lệ quốc tế (như thị trường 3PL, vận tải đa phương thức, luật hóa dịch vụ logistics (sửa đổi bổ sung khái niệm hiện thời trong Luật Thương mại 2005).
Cơ sở hạ tầng logistics là động lực nền tảng đảm bảo cho việc cất cánh ngành logistics VN:
Giao thông vận tải - cảng biển - cảng sông - ga hàng hóa - các khu logistics - cảng khô (ICD) - trung tâm phân phối - trung tâm thương mại - các kho hàng, kho ngoại quan... và các hạ tầng về công nghệ thông tin - truyền thông là các yếu tố vật chất làm động lực nền tảng cho sự phát triển ngành logistics VN.
Những năm gần đây, Nhà nước đã có quan tâm và có những chính sách huy động các nguồn lực nhằm đẩy mạnh đầu tư phát triển, tuy nhiên do nhiều bất cập (trong đó có yếu tố và địa lý, thiên nhiên) cơ sở hạ tầng ngành logistics chưa đáp ứng phục vụ cho phát triển kinh tế một cách hiệu quả như mong muốn. Điều này khiến vai trò động lực nền tảng chưa phát huy đồng bộ và gây nhiều khó khăn ách tắc cho việc cất cánh ngành logistics VN.
Tuy nhiên, cần có các chiến lược quy hoạch và kế hoạch hành động phù hợp, nhất là các chính sách đầu tư phù hợp, huy động nhiều nguồn lực chúng ta sẽ cải thiện tình hình, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ chiến lược phát triển kinh tế thời kỳ 2011-2015 như đã đề cập trên đây.
Các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics VN (LSP: Logistics Service Providers) sẵn sàng là động lực kiến tạo cho ngành logistics VN cất cánh.
Hình ảnh của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ giao nhận, logistics VN, trong một thời gian dài vừa qua đã quá “ mờ nhạt”, chưa tạo được lòng tin cho các chủ hàng, thậm chí còn bị động, thiếu tính liên kết, hoạt động và cung cấp các dịch vụ đơn lẻ (mà điều này đi ngược lại với tính thống nhất, đồng bộ của ngành logistics và chuỗi cung ứng).
Tuy nhiên, sự vươn lên của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics hiện nay không phải là hiếm hoi và sự trưởng thành của ngành đang từng ngày từng giờ thay đổi hình ảnh của những người cung ứng dịch vụ logistics VN. Những nhà cung cấp dịch vụ logistics hiện nay “không hẳn là các công ty lớn, nhưng là các công ty năng động, linh hoạt và đáp ứng nhanh”.
Trên thực tế, dịch vụ logistics VN nếu được chủ hàng VN tin dùng, sẽ không thua kém dịch vụ của các doanh nghiệp nước ngoài, và có thể thêm nhiều “giá trị gia tăng” trong dịch vụ, do am hiểu luật pháp, thị trường, địa hình, văn hoá kinh doanh trong nước.
Trong vai trò động lực kiến tạo của mình, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics VN cần mạnh dạn trang bị thêm kỹ năng ứng dụng logistics và chuỗi cung ứng, đội ngũ chuyên nghiệp thông qua đào tạo và duy trì nguồn nhân lực thực sự tâm huyết với ngành.
Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics cần có mạng lưới toàn cầu (thông qua hợp tác), đầu tư cơ sở vật chất trong điều kiện tốt nhất có thể, đẩy mạnh hợp tác, liên kết bên trong và bên ngoài (thông qua hiệp hội), cung cấp các giải pháp “end-to-end” nhiều hơn là các dịch vụ đơn lẻ, cạnh tranh giá như hiện nay.
Chủ động tìm đến với chủ hàng (trong và ngoài nước) bằng hình ảnh của những người cung cấp dịch vụ logistics, có quy tắc ứng xử tiên tiến, tôn trọng lắng nghe và chia sẻ với chủ hàng để hai bên cùng thắng (win-win).
Các ngành, hiệp hội có vai trò động lực hỗ trợ để ngành logistics VN cất cánh
Ngoài vai trò định hướng như đã nói phần trên, các ngành, các hiệp hội có sự tương tác cao với ngành logistics VN thông qua các chính sách tạo thuận lợi, gỡ bỏ các rào cản hành chính, hội nhập khu vực và quốc tế đặc biệt trong thời đại hiện nay nhận thức về logistics, chuỗi cung ứng… phải được các cấp lãnh đạo, cán bộ quản lý… tường tận, thấu đáo và luôn cập nhật. Logistics và chuỗi cung ứng trong thời đại ngày nay đã bước qua thời kỳ “hậu cần” và mang lại các chuỗi giá trị và hiệu lực hơn cho nền kinh tế so với cách đây 10 hoặc 15 năm.
Một vấn đề khác, cũng như các sản phẩm, dịch vụ khác “made in Vietnam”, ngành dịch vụ logistics VN, về cấu thành, có thể có một tỷ lệ yếu tố nước ngoài nhất định, nhưng là những sản phẩm được thực hiện hầu hết bởi các con người VN, môi trường kinh tế xã hội VN (cũng như các đôi giày Nike, Adidas “made in Vietnam”), vì thế, cần một cách nhìn bình đẳng và hợp tác đầy đủ, chia sẻ để học hỏi, liên kết để tăng sức cạnh tranh với các doanh nghiệp 3PL, 4PL có vốn nước ngoài, với họ cũng đã và đang đóng góp vào sự lớn mạnh cho ngành logistics VN.
Đối với các tổ chức hiệp hội trong ngành logistics VN (như Hiệp hội cảng biển VN; Đại lý và môi giới hàng hải VN; Chủ tàu VN; Chủ hàng VN; Vận tải ô tô VN...) trong bối cảnh hiện nay đang còn có những tiếng nói và mục tiêu khác nhau. Nên chăng cần có sự hiệp lực, liên kết, hoặc chí ít tạo ra diễn đàn ngành logistics VN để có chung một tầm nhìn và chia sẻ các sứ mệnh đưa ngành logistics VN cất cánh?
Năm 2011 một năm nhiều sóng gió đối với ngành logistics VN, đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải biển, hàng không... xuất phát từ bất ổn nền kinh tế vĩ mô, bản thân nền kinh tế VN và các nguyên nhân đến từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới chưa hồi phục. Một giai đoạn mới cho tăng trưởng cạnh tranh được đặt ra cho năm 2012 với nhiều thách thức, nhưng bên cạnh đó vẫn nhìn thấy các tín hiệu và kỳ vọng lạc quan của các doanh nghiệp VN, đặc biệt là các doanh nghiệp ngành logistics - vẫn là những điểm sáng và tích cực! Chúng ta hy vọng với sự “cải cách” lớn của những người làm dịch vụ logistics VN, được thúc đẩy và giúp sức của chủ hàng VN trong thời gian tới và quan trọng hơn được dẫn dắt, định hướng đúng đắn từ phía Nhà nước, hợp lực với các ngành, hiệp hội có liên quan… ngành logistics VN chắc chắn sẽ được cất cánh sớm nhất trong thời gian tới.
Nguồn tin:
http://vlr.vn/
Các tin khác :