Hàng thông qua cảng tăng đều qua các năm
CTCP Đầu tư và phát triển cảng Đình Vũ (cảng Đình Vũ) hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực khai thác cảng và cho thuê kho bãi. Trong đó, lĩnh vực khai thác cảng hàng năm đóng góp tới 97% doanh thu cho Công ty.
Thống kê cho thấy, hàng năm, sản lượng container qua cảng Đình Vũ đạt khoảng 350.000 - 400.000 Teus, chiếm 20 - 25% tổng sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển khu vực Hải Phòng. So với thị phần cả nước, sản lượng hàng qua cảng Đình Vũ chiếm từ 2 - 3%.
Cùng với hoạt động khai thác cảng, cảng Đình Vũ còn có một kho chứa hàng với diện tích 6.000m2 và 1 bãi chứa với diện tích 10.000m2. Hàng năm, mảng kinh doanh này đóng góp bình quân 5% trong tổng doanh thu toàn Công ty.
Thống kê cho thấy, cảng Đình Vũ có kết quả kinh doanh khá tốt trong suốt khoảng thời gian từ năm 2007 đến nay với mức tăng trưởng bình quân trong 4 năm qua đạt hơn 100%. Tổng kết năm 2010, Công ty đạt 327 tỷ đồng doanh thu, 135,5 tỷ đồng lợi nhuận ròng.
Sang năm 2011, 6 tháng đầu năm, kết quả kinh doanh của Cảng tiếp tục thuận lợi khi lợi nhuận ròng quý I và quý II tăng trưởng lần lượt 106 và 38% so với cùng kỳ 2010. Cho đến quý III/2011, hoạt động kinh doanh của cảng bắt đầu sụt giảm mạnh mà nguyên nhân không gì khác là do sự sụt giảm giá cước dịch vụ ttại các cảng nhằm thu hút các hãng tàu cập bến.
Cảng Đình Vũ thuộc hệ thống cảng Hải Phòng - cụm cảng có mật độ cảng cao - nên tình trạng cạnh tranh càng khốc liệt. Mức giá dịch vụ tại khu vực này đã giảm từ 15 - 20% so với thời điểm cuối năm 2010, thậm chí có cảng giảm 30%. Quý III/2011, cảng vẫn có lãi nhưng đã sụt giảm hơn nhiều so với các quý trước, doanh thu tăng 1,65%, lợi nhuận tăng 5,25% so với cùng kỳ.
Thống kê cho thấy, hết năm 2011, sản lượng hàng qua cảng đạt hơn 439 nghìn Teus, bằng 109% kế hoạch và tăng 25% so với 2010. Doanh thu đạt 441 tỷ đồng, bằng 126% kế hoạch và tăng 25% so với 2010, lợi nhuận trước thuế đạt 163 tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm 2010.
“Lấn sân” sang logistics
Trong năm 2012, Chủ tịch HĐQT cảng Đình Vũ, ông Dương Thanh Bình cho biết, Cảng phấn đấu đạt sản lượng 445 nghìn Teus, tương đương 4,45 triệu tấn, doanh thu đạt 435 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 140 tỷ đồng. Được biết, cảng Đình Vũ đang mở rộng hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực logistics khi tham gia liên kết với đối tác SITC - một hãng tàu lớn đang hoạt động trên 54 tuyến đường biển quốc tế, thành lập công ty SITC Đình Vũ. Công ty này có vốn điều lệ 19,5 tỷ đồng, tương đương 1 triệu USD, cảng Đình Vũ góp 51% và SITC góp 49%.
Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực hàng hải, việc mở rộng hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực logistics là một hướng đi đúng của Cảng bởi logistics đang được đánh giá là lĩnh vực đầy tiềm năng phát triển ở Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng, về lĩnh vực kinh doanh chính là khai thác cảng thì cảng Đình Vũ lại chưa có dự án cụ thể đầu tư nâng cấp cảng biển. Hiện tại, Cảng mới chỉ có thể đón các tàu từ 20.000 - 40.000 DWT cập cảng làm hàng. Trong bối cảnh hiện tại, nếu không có những tính toán cụ thể, những giải pháp linh hoạt để thu hút khách hàng, cảng Đình Vũ nói riêng và các cảng biển trên cả nước nói chung sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cạnh tranh, phát triển.
Năm 2011, cảng Đình Vũ đã có mặt xếp hạng V1.000 (top 1.000 doanh nghiệp đóng thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam).
Bảng xếp hạng V1.000 được xây dựng dựa trên kết quả xử lý và kiểm chứng dữ liệu độc lập của Vietnam Report, với sự phối hợp của Tạp chí Thuế - Tổng cục Thuế cùng hội đồng cố vấn và thẩm định gồm có các chuyên gia tư vấn độc lập cả trong và ngoài nước.
Thông tin và dữ liệu của các doanh nghiệp xếp hạng được tham chiếu từ cơ sở dữ liệu VNR500 - Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam; hệ thống cơ sở dữ liệu hơn 250.000 doanh nghiệp Việt Nam trên toàn quốc của Vietnam Report (VNR Biz Database).
Cũng trong năm 2011, cảng Đình Vũ được Forbes vinh danh trong danh sách 200 công ty vừa và nhỏ tốt nhất châu Á . Forbes lựa chọn danh sách dựa trên cả hai tiêu chí doanh thu và tăng trưởng.
Để được lọt vào Top 200, các công ty phải có doanh thu hàng năm từ 5 triệu đến 1 tỷ USD và niêm yết trên thị trường chứng khoán được ít nhất một năm. Các chỉ tiêu khác được quan tâm là tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, doanh số và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các công ty này mỗi 12 tháng trong hơn 3 năm trở lại đây.
Một tiêu chí khác cũng rất quan trọng là khả năng quản lý vượt qua thời điểm kinh tế khó khăn, hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới bắt đầu từ năm 2008. |